Giá điện ngày một tăng đồng nghĩa với việc bạn cần sử dụng thật hợp lý và khoa học các đồ dùng trong gia đình. Sau đây là một số mẹo nhỏ giúp bạn tiết kiệm điện cho các thiết bị gia dụng, vốn chiếm một khoản khá lớn trong hóa đơn tiền điện hàng tháng của gia đình.
Nồi cơm điện
– Hãy chọn mua loại nồi cơm điện phù hợp với nhu cầu của gia đình, nồi có công suất và dung tích nhỏ thường tiết kiệm điện hơn.
– Dùng nước nóng nấu cơm có thể tiết kiệm 30% điện năng. Nên nấu cơm trước khi ăn từ 30 – 45 phút để hạn chế thời gian hâm nóng. Khi nấu không mở nắp nồi và hạn chế hâm cơm liên tục sẽ nhanh làm hỏng nam châm bên trong, khiến rơ le bật tắt không chính xác.
– Lau khô mặt ngoài của xoong nấu trước khi đặt vào nồi để giữ sạch đĩa nhiệt và bộ cảm ứng nhiệt. Thường xuyên lau chùi đáy nồi, mâm nhiệt.
Tủ lạnh
Tủ lạnh được sử dụng liên tục, hầu như không ngưng nghỉ. Những mẹo nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế việc tiêu thụ điện cho tủ lạnh:
– Chọn mua tủ lạnh có dung tích phù hợp với nhu cầu của gia đình. Thông thường, mỗi người cần trung bình khoảng 40 – 50 lít dung tích. Như vậy, nếu gia đình có 4 người thì cần chọn tủ lạnh có dung tích từ 1k60 – 200 lít.
– Đặt tủ lạnh ở nơi thông gió, thoáng mát, tránh xa nguồn nhiệt.
– Điều chỉnh nhiệt độ thật hợp lý: Khi thực phẩm trữ lạnh trong tủ không nhiều, nên điều chỉnh cấp độ làm lạnh ở mức trung bình hoặc thấp sẽ tiết kiệm điện hơn.
– Sắp xếp đồ trong tủ lạnh được ngăn nắp và có khe hở để luồng khí lạnh được lưu thông giúp lượng điện tiêu hao được hạn chế.
– Sử dụng đồ bằng kim loại đựng thực phẩm thay cho hộp nhựa vì tính dẫn lạnh của kim loại nhanh hơn, thời gian làm lạnh rút ngắn, ít hao điện.
– Hạn chế mở cửa tủ lạnh thường xuyên để tránh tiêu hao điện năng và giảm tuổi thọ của tủ lạnh.
– Thường xuyên vệ sinh tủ lạnh sạch sẽ, nhất là phải lau sạch phần viền cao su ở cửa đóng mở giúp cửa đóng kín hơn, tránh hơi lạnh thoát ra ngoài làm tiêu hao điện năng.
Lò vi sóng
Lò vi sóng là thiết bị tiêu tốn khá nhiều điện năng:
– Không nên bật lò vi sóng khi trong phòng có máy lạnh hoặc đặt gần các đồ điện khác.
– Đồ đựng thực phẩm trong lò phải bằng thủy tinh, đồ sứ hoặc gốm. Tránh dùng đồ kim loại vì chúng hút nhiệt, làm thực phẩm lâu chín, gây hao điện và có thể làm cháy nổ lò.
– Luôn đóng kín cửa lò khi hoạt động để tránh thất thoát vi sóng ra ngoài, làm giảm hiệu quả của lò và tốn điện.
Bếp điện
Bếp điện từ hoặc bếp hồng ngoại ngày càng được nhiều chị em nội trợ sử dụng để nấu nướng vì sự tiện dụng và an toàn. Một vài “chiêu” sau đây sẽ giúp bạn hạn chế bớt lượng điện năng tiêu thụ khi dùng bếp điện:
– Khi quá trình đun nấu sắp kết thúc, bạn hãy tắt bếp sớm trước vài phút vì lượng hơi nóng còn lại trên bếp cũng có thể giúp thức ăn chín hoàn toàn. Cách làm này rất thích hợp với các món xào và hầm.
– Bếp điện có khả năng đốt nóng xoong, chảo nhanh hơn bếp gas nên bạn không nên dùng chế độ nhiệt cao nhất khi đun nấu, vừa làm cháy xoong nồi vừa gây tốn điện. Thay vào đó, hãy cài đặt chế độ nhiệt thấp khi nấu nướng để đảm bảo an toàn và tiết kiệm điện.
Bình đun siêu tốc
Vì có công suất lớn nên bình đun siêu tốc thường tiêu hao một lượng điện năng đáng kể. Để sử dụng bình đun siêu tốc sao cho tiết kiệm điện, bạn cần phải:
– Chọn mua bình đun siêu tốc có dung tích phù hợp với nhu cần của gia đình để tránh việc đun nước nhiều lần trong ngày gây lãng phí điện
– Thường xuyên lau chùi bình sạch sẽ, không để bám cặn, rỉ sét.
– Khi đun nước, đậy nắp vung thật kín để nước nhanh sôi và điện tự ngắt khi đủ nhiệt độ 1000oC, tránh đun trong phòng có điều hòa hoặc để trước luồng gió của quạt.
– Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, không di chuyển khi bình đang đun nước.
Máy nước nóng
– Lựa chọn bình nước nóng có dung tích phù hợp với nhu cầu gia đình. Dung tích càng lớn thì càng tiêu hao nhiều điện năng. Ví dụ: Đối với hộ gia đình có 4 người thì nên lắp loại bình 20 lít là vừa đủ.
– Chỉ nên bật máy nước nóng 10 – 15 phút trước khi tắm, không nên bật 24/24 để tránh lãng phí.
– Thường xuyên bảo trì bình nóng lạnh để đảm bảo an toàn và hiệu quả sử dụng lâu dài.
Máy giặt
– Hãy giặt số lượng quần áo phù hợp với công suất của máy
– Chọn chế độ “tiết kiệm” nếu có, không chọn chế độ nước nóng nếu thực sự không cần thiết.
– Nên đặt máy ở nơi thông gió, thoáng khí
– Vệ sinh định kỳ cho máy giặt để tránh vi khuẩn sinh sôi và hạn chế hỏng hóc khi sử dụng.
Máy lạnh
Máy lạnh là vật dụng tiêu thụ điện nhiều nhất trong số các thiết bị điện của gia đình.
– Chọn mua máy lạnh có công suất phù hợp với căn phòng. Nếu phòng nhỏ mà máy lạnh công suất lớn sẽ gây lãng phí điện, ngược lại, công suất nhỏ cho phòng lớn sẽ khiến thiết bị phải làm việc nhiều, tiêu tốn điện năng và giảm tuổi thọ nhanh chóng.
– Hãy mở nhiệt độ trên mức 25°C. Cứ cao hơn 10°C là bạn đã tiết kiệm được 10% điện năng rồi đấy!
– Thường xuyên vệ sinh và lau chùi bộ phận lọc của máy lạnh, bạn sẽ tiết kiệm được 5 – 7% điện năng tiêu thụ
– Chỉ dùng máy lạnh khi thật cần thiết. Thay vào đó, bạn có thể mở toang cửa sổ để đón gió và không khí trong lành ngoài trời, rất tốt cho sức khỏe.
Quạt
Bạn chỉ nên bật quạt chạy ở tốc độ thích hợp để tiết kiệm điện vì quạt càng chạy nhanh càng tốn điện và ngược lại. Lưu ý thêm nữa là bạn phải rút phích cắm sau mỗi lần sử dụng quạt để ngắt dòng điện rò chạy qua công tắc làm tiêu hao điện
Tivi
– Bạn nên chọn kích cỡ tivi phù hợp với căn phòng của mình vì tivi càng to sẽ càng tốn điện
– Không nên để màn hình ở chế độ quá sáng vì độ sáng và độ tương phản càng cao, màu càng đậm thì càng tiêu hao nhiều điện và tuổi thọ đèn màn hình sẽ mau giảm hơn.
– Tắt tivi bằng cách ấn nút ở máy, không dùng điều khiển từ xa vì ở chế độ stand-by, tivi vẫn sẽ tiêu hao điện dù không nhiều.
– Tắt nguồn hoặc rút phích cắm tivi ra khỏi nguồn điện khi không sử dụng.
Hy vọng những mẹo nhỏ trên đây sẽ giúp bạn giảm bớt gánh nặng chi phí tiền điện mỗi tháng khi dùng đồ gia dụng.
Nguồn: DienmayXANH.com