Hiện nay, các ngân hàng đang đẩy mạnh việc triển khai hình thức cho vay tín chấp, mở rộng đối tượng vay tín dụng để tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Bên cạnh đó, thị trường cho vay tài chính tiêu dùng tại Việt Nam ngày càng sôi động với sự tham gia của các công ty tài chính tiêu dùng, nhằm đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng khách hàng không tiếp cận được với nguồn vốn vay ngân hàng.
Vay tín chấp là hình thức vay tiền ngân hàng và các tổ chức tín dụng được bảo đảm bằng sự tín nhiệm, không cần có tài sản thế chấp. Đối tượng vay của hình thức vay này được mở rộng, thủ tục đơn giản hơn so với vay thế chấp để có thể tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Điều này giúp nhiều người dễ dàng vay được vốn tiêu dùng, mua sắm. Tuy nhiên, hình thức vay tín chấp mang trong mình rủi ro tín dụng cao.
Vậy rủi ro tín dụng trong vay tiền không thế chấp là gì?
Trong bất kì kiểu vay nào, rủi ro lớn nhất vẫn luôn là vấn đề thanh toán nợ. Với nghiệp vụ vay tín chấp, khi ngân hàng/ công ty tài chính giải ngân cho khách hàng, khi đó chưa phải là quy trình vay đã hoàn thành. Trong quy định của ngân hàng/ công ty tài chính, một khoản vay chỉ được gọi là xong khi khách hàng tất toán khoản vay (trả hết cả nợ gốc lẫn lãi). Khi đó mới xác nhận một quy trình tín dụng hoàn thành.
Như vậy rủi ro tín dụng chính là việc khách hàng không trả đúng hẹn và đủ số tiền vay. Nguyên nhân của việc khách hàng chậm trễ hoặc không trả đủ xuất phát từ nhiều yếu tố. Trả góp hằng tháng có thể chậm vài ngày bởi đôi lúc khách hàng không tránh được việc quên, hoặc có việc đột xuất không đi nộp tiền được.
Nhưng khi khách hàng để chậm trễ quá lâu (trên 15 ngày), khách hàng có thể bị cảnh báo nợ xấu. Khi đó rủi ro tín dụng đã lớn dần. Cấp độ cao hơn, đó là khi khách hàng cố ý không trả nợ, trả nợ nửa chừng, không tất toán xong hợp đồng vay. Khi đó, rủi ro tín dụng được báo động ở mức cao nhất. Ngân hàng/ công ty tài chính sẽ tiến hành thu hồi tiền bằng các nghiệp vụ riêng.
Đối với hình thức vay thế chấp, bên cho vay có thể xử lý tài sản sản đảm bảo của khách hàng cho khoản vay theo luật. Nhưng đối với vay tín chấp, ngân hàng/ công ty tài chính phải sử dụng các biện pháp, nghiệp vụ khác. Nếu không giải quyết được, khi đó bên cho vay sẽ làm hồ sơ khiếu kiện người vay ra tòa án. Đến lúc này, tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều khi có sự tham gia của luật pháp.
Cũng phải kể thêm các trường hợp rủi ro khác như khách hàng bị mất tích, tử vong, tai nạn, v.v. Những trường hợp này là rủi ro không mong muốn từ cả hai phía. Vì vậy, loại rủi ro này được các ngân hàng/ công ty tài chính giảm thiểu bằng việc khuyến khích khách hàng mua bảo hiểm khoản vay. Và thực chất, việc mua bảo hiểm khoản vay cũng mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng như việc xét duyệt hồ sơ vay sẽ dễ dàng hơn và trong trường hợp rủi ro không mong muốn xảy ra, người thân của khách hàng không phải chịu gánh nặng nợ nần mà khách hàng để lại.
Có phương án trả nợ phù hợp, trả nợ đúng hẹn là cách vay tiêu dùng thông minh
Hiện nay, song song với việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng tín chấp, các ngân hàng/ công ty tài chính cũng ráo riết rà soát chặt chẽ khâu thẩm định để loại trừ ngay từ đầu các khách hàng có nguy cơ nợ xấu, không có thiện chí trả nợ. Đồng thời áp dụng mức phí phạt trả chậm cao để giảm việc trả nợ chậm ngày, trễ ngày của khách hàng.
Đứng ở góc độ người cho vay, việc thu hồi nợ khi rủi ro tín dụng xảy ra rất khó khăn, tiêu tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Vì vậy, khi đi vay, khách hàng cần cân đối tài chính cá nhân của mình, có phương án trả nợ phù hợp và có thiện chí trả nợ tích cực. Điều này không chỉ giúp ngân hàng/ công ty tài chính giảm nợ xấu, mà quan trọng hơn hết đó chính là tăng uy tín của bản thân người vay. Với lịch sử tín dụng tốt, khách hàng sẽ dễ dàng được hỗ trợ vay tiếp lần sau và được ưu đãi lãi suất
Chuyên mục “Tư vấn tài chính tiêu dùng – Mỗi tuần 1 câu hỏi” do FE Credit – Công ty tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPB FC) phối hợp thực hiện sẽ tiếp nhận tất cả câu hỏi của quý độc giả qua hộp thư: pr@fecredit.com.vn