Câu hỏi: Tôi đang có nhu cầu mua điện thoại trả góp. Tuy nhiên, khi đến tìm hiểu tại cửa hàng, tôi nhận thấy cùng vay tiền để mua chiếc điện thoại giống nhau, cùng thời điểm đăng ký vay, lãi suất cho vay của tôi lại cao hơn lãi suất của khách hàng khác. Tại sao lại có sự chênh lệch này? (Chị Nguyễn Thanh Hồng, quận Phú Nhuận, TP.HCM)
Chuyên gia trả lời:
Chào chị Thanh Hồng,
Hiện nay, hình thức vay tín chấp trả góp phục vụ nhu cầu mua sắm ngày càng trở nên phổ biến và được số đông người tiêu dùng lựa chọn bởi tính tiện lợi và đa dạng về sản phẩm cho vay. Với các ưu điểm giá trị vay linh hoạt (dao động từ 2,5 triệu – 70 triệu), không cần tài sản thế chấp, thủ tục đơn giản và thời gian giải ngân nhanh chóng, vay tiêu dùng (sản phẩm cho vay dưới dạng tín chấp nhằm hỗ trợ nguồn tài chính cho các nhu cầu mua sắm hàng gia dụng, mua xe, du lịch, tổ chức đám cưới, xây sửa nhà, chi trả học phí … và các nhu cầu tất yếu khác trong cuộc sống thường ngày) được xem là “cứu cánh” cho người dân có nhu cầu mua sắm ngay nhưng lại chưa đủ khả năng tài chính ) được xem là “cứu cánh” cho người dân có nhu cầu mua sắm ngay nhưng lại chưa đủ khả năng tài chính.
Một trong những vấn đề khiến chị Thanh Hồng cũng như nhiều người tiêu dùng khác băn khoăn hiện nay chính là mức lãi suất của khoản vay. Lãi suất vay tiêu dùng không cố định mà là lãi suất thỏa thuận giữa bên cho vay (công ty tài chính) và bên vay (người tiêu dùng). Mức chênh lệch lãi suất phụ thuộc vào thời hạn vay, khoản tiền đã thanh toán (số tiền trả trước của khách hàng để mua sản phẩm) và đối tượng khách hàng với mức tín nhiệm khác nhau. Vì là hình thức cho vay tín chấp (cho vay không cần có các tài sản thế chấp), trong mức lãi suất sẽ có kèm theo phần bù của rủi ro. Tùy vào đối tượng khách hàng hoặc hình thức vay hoặc ngành nghề…sẽ tương ứng với các mức rủi ro khác nhau. Nếu mức rủi ro càng cao thì bên cho vay cần điều chỉnh nâng lên mức lãi suất phù hợp.
Ngoài ra, trong hoạt động tín dụng, lịch sử tín dụng của người vay đều được ghi nhận trên hệ thống Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC). Các tổ chức tín dụng đều tham khảo lịch sử tín dụng này để quyết định cho vay và mức lãi suất. Khách hàng có lịch sử tín dụng tốt sẽ có mức tín nhiệm tốt hơn và nhận được mức lãi suất ưu đãi hơn.