Tin dịch vụ – Hãy tận dụng dòng vốn từ vay tiêu dùng để mua sắm các tài sản cần thiết, đừng để lãi vay trở thành gánh nặng.
Xác định khoản vay theo khả năng
Chị Hoàng Lệ Hằng ở đường Hậu Giang (Quận 6, TP. HCM) cho biết, hoàn cảnh gia đình khá chật vật, chỉ có 1 chiếc xe máy để đi lại. Con trai chị sau khi tốt nghiệp đại học cần có riêng một chiếc xe máy để đi làm.
Không có cách nào khác, chị phải mua xe máy trả góp thông qua hình thức vay vốn tín chấp ở một ngân hàng. Sau khi vay, mỗi tháng con chị trích khoảng 2 triệu đồng từ tiền lương để trả cho ngân hàng. Chỉ hơn 1 năm, gia đình đã trả xong nợ và thanh lí hợp đồng vay.
Tuy nhiên, không phải ai cũng xác định mục tiêu rõ ràng và thực hiện được mục tiêu đặt ra như gia đình chị Hằng, bởi không ít trường hợp, người vay đã không thể trả nợ. “Liệu cơm gắp mắm, đừng để xảy ra kiện tụng”, đó là lời khuyên của nhiều luật sư, những đại diện cho người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ vay vốn.
Luật gia Việt Thu cho rằng khi vay tiêu dùng, khách hàng phải xem xét kỹ các điều khoản quy định trong hợp đồng, đặc biệt là về mức thanh toán, thời gian trả nợ cũng như tỉ lệ bị phạt nếu vi phạm. Theo bà Thu, chuyện phạt nặng khi khách vi phạm hợp đồng cũng thường xảy ra do người vay cố tình không trả nợ, hoặc một số người chỉ trả góp đúng đủ số tiền mà mình vay, sau đó “trốn” luôn.
Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ, xem xét thu nhập và chỉ nộp đơn yêu cầu vay khi đã đảm bảo đủ khả năng thanh toán.
Tránh bị kiện tụng để phải ra tòa
Vốn vay tiêu dùng được xem như là “chiếc phao” đắc lực cho những người đang có nhu cầu mua sắm, phục vụ mục đích học tập nhưng chưa đủ khả năng tài chính. Tuy nhiên, trước khi sử dụng bất kỳ dịch vụ tài chính nào, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ, xem xét thu nhập và chỉ nộp đơn yêu cầu vay khi đã đảm bảo đủ khả năng thanh toán.
Điều quan trọng đó là khách hàng phải có trách nhiệm với khoản vay và có ý thức về việc trả nợ, bởi trong trường hợp thanh toán trễ hạn thì chắc chắn khách hàng sẽ phải chịu phí phạt, thậm chí bị kiện và có thể bị ngồi tù nếu cố tình không thanh toán dù đã có nhắc nhở từ ngân hàng.
Thực tế, trong hoạt động tín dụng, lịch sử tín dụng của người vay đã được ghi nhận trên hệ thống Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC). Các tổ chức tín dụng đều tham khảo lịch sử tín dụng này để quyết định cho vay. Vì thế chỉ cần có một “vết đen” thì về sau người tiêu dùng đó khó được cho vay nữa.
Nếu vi phạm hợp đồng, khách hàng có thể bị xử lý theo quy định pháp luật, và trong một số trường hợp, có thể bị cơ quan chức năng khởi tố theo Điều 139 Bộ Luật Hình sự với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nếu ngay từ ban đầu có ý định vay bằng mọi cách rồi không chịu trả nợ.
“Hiện nay, chúng tôi đang áp dụng quy trình thu nợ và chống gian lận để hạn chế và xử lý những rủi ro không đáng có. Các quy trình này là sự kết hợp nhuần nhuyễn tiêu chuẩn quốc tế và thực tiễn tín dụng tại Việt Nam.“
Ông Przemyslaw Pawel Januszaniec, Giám Đốc Ban Quản Trị Rủi Ro tại FE Credit – Công ty tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank FC)
Xin – cho, vay – trả
“Xin – cho, vay – trả” là quy luật muôn đời. Chính vì vậy, nhiều luật sư khuyên người tiêu dùng được vay vốn hãy làm đúng trách nhiệm, đừng để bị khiếu nại, khiếu kiện. Theo một đại diện Hội Luật gia TP.HCM, vay tiêu dùng có thế chấp tài sản hoặc không thế chấp tài sản (tín chấp) giống như hình thức bảo an cho người dùng. Tổ chức cho vay cũng hiểu được những rủi ro trong thanh toán, vì vậy, lãi suất cho vay cao hơn cho vay thông thường. Đó cũng là lý do mà khi vay, khách hàng không được chủ quan.