Hồ sơ vay của bạn bị ngân hàng hay các tổ chức tín dụng (TCTD) khác từ chối với lý do bạn có điểm tín dụng xấu. Điều đó khiến bạn cảm thấy hoang mang, không biết lý do tại sao mình bị xếp hạng tín dụng xấu, cách nào để kiểm tra tình trạng tín dụng và làm sao để tránh lọt vào “danh sách đen” đó? Sau đây chúng tôi sẽ cung cấp thêm thông tin giúp bạn giải đáp những thắc mắc thường gặp về điểm tín dụng.
1. Thông tin tín dụng cá nhân là gì?
Trước hết bạn cần phải biết, những khoản vay dù nhỏ hay lớn như vay tín chấp, thế chấp, hợp đồng mua bảo hiểm, chi tiêu trước – thanh toán sau bằng thẻ tín dụng, v.v. đều được ghi nhận tại Trung tâm Thông tin Tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước (CIC) hoặc Công ty CP Thông tin Tín dụng Việt Nam (PCB – Trung tâm Thông tin Tín dụng Tư nhân được thành lập bởi vốn góp từ ngân hàng thương mại).
Thông tin tín dụng của bạn về việc thanh toán khoản vay/ mua bảo hiểm/ thẻ tín dụng bao gồm lịch sử vay, lãi suất, thời gian thanh toán, địa điểm giao dịch và một số các thông tin cá nhân đã được bạn đồng ý chia sẻ trong hợp đồng vay/ mua bảo hiểm/ mở thẻ, v.v. đều được tập hợp lại thành một bộ hồ sơ tín dụng mang tên bạn.
2. Điểm tín dụng là gì và có tác dụng như thế nào?
Tất cả các giao dịch trên tài khoản của khách hàng đi vay sẽ được CIC ghi nhận và cập nhật trong vòng 3 – 5 năm. Các ngân hàng/ TCTD khác trước khi cho bạn vay sẽ tìm hiểu thông tin của bạn trên hệ thống này. Họ sẽ phân tích các dữ liệu có trong hồ sơ tín dụng, từ đó đánh giá uy tín, mức độ tín nhiệm của bạn để xếp hạng điểm tín dụng.
Việc căn cứ vào điểm tín dụng sẽ giúp các ngân hàng/ TCTD khác xác định những khách hàng có đủ điều kiện để vay, mức lãi suất và hạn mức tín dụng. Nếu bạn có lịch sử trả nợ vay tốt sẽ dễ dàng được cho vay. Ngược lại, bạn thường xuyên trễ hạn trả nợ thì sẽ gặp khó khăn khi vay.
3. Xếp hạng điểm tín dụng:
Hiện CIC đang phân loại khách hàng theo 5 nhóm sau:
- Nhóm 1: Dư nợ đủ tiêu chuẩn (Không quá hạn từ 1 đến dưới 10 ngày)
- Nhóm 2: Dư nợ cần chú ý (Nợ từ 10 đến dưới 90 ngày)
- Nhóm 3: Dư nợ dưới tiêu chuẩn (Trên 91 đến 180 ngày)
- Nhóm 4: Dư nợ có nghi ngờ (Từ 181 đến 360 ngày)
- Nhóm 5: Dư nợ có khả năng mất vốn (Nợ quá hạn trên 360 ngày)
4. Điểm tín dụng xấu:
Nếu bạn nằm trong nhóm 3 – 5, bạn được xem là khách hàng có điểm tín dụng xấu, hầu hết các ngân hàng hay các TCTD khác sẽ không giải quyết hồ sơ vay của bạn dưới bất kì hình thức nào. Bạn phải mất khoảng 2 năm thì tình trạng tín dụng của bạn mới trở lại mức an toàn.
Nguồn tham khảo: VnExpress, PCB, …