Vay tiêu dùng tín chấp rất phổ biến ở các nước phát triển, và là một xu thế phát triển tất yếu của xã hội. Tại Việt Nam, dù tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa phải ờ mức cao, nhưng với tốc độ phát triển hàng năm lên đến 2 con số, cho thấy đây là nhu cầu có thật của một bộ phận không nhỏ người dân.
Dịch vụ vay tiêu dùng tín chấp từ các công ty tài chính (CTTC) có tư cách pháp nhân rõ ràng với đặc tính giải ngân nhanh chóng, thủ tục đơn giản, lãi suất hợp lý cũng như hoạt động trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam được xem là một giải pháp lý tưởng cho nhu cầu tài chính của nhóm khách hàng không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Tuy vậy, thị trường tương đối mới mẻ này vẫn tiềm ẩn rủi ro mà cả bên cho vay và người đi vay cần phải suy xét. Trọng tâm rủi ro chính là do người tiêu dùng chưa được thông tin rõ ràng, Ngân hàng Nhà nước cũng như hệ thống pháp luật chưa có lời khẳng định mang tính pháp quy cho sự phát triển của loại hình vay tiêu dùng tín chấp hiện nay.
Rủi ro với người đi vay là chỉ nhìn vào tiện ích của dịch vụ mà không xem xét kĩ càng đến khả năng trả nợ của mình, hay sự cần thiết của khoản vay, dẫn đến chi tiêu vượt quá khả năng trả nợ. Nghiêm trọng hơn là việc rất nhiều người vay tín chấp đã bị đánh cảnh báo nợ xấu nên rất khó hoặc không có khả năng tiếp tục vay sau này, thậm chí bị pháp luật truy cứu.
Với các CTTC, khung pháp lý lại chính là sự cản trở động lực phát triển của loại hình này khi chưa có các quy định và quản lý chặt chẽ hơn nhằm bảo vệ các CTTC trước rủi ro người đi vay không muốn trả nợ. Một ví dụ dễ thấy là mặc dù Luật Các Tổ Chức Tín Dụng quy định mức lãi suất là do thỏa thuận giữa các bên, nhưng khi đã lỡ “vung tay quá trán”, hoặc kinh doanh thua lỗ, thu nhập bị gián đoạn, thì người đi vay lại viện đến Bộ luật Dân sự với quy định lãi suất cho vay không vượt quá 150% lãi suất cơ bản để kiện các CTTC. Trong khi đó, với đặc thù của việc kinh doanh tín dụng tiêu dùng, để các CTTC có thể tồn tại, mức lãi suất không thể nằm trong giới hạn này do khoản vay không có tài sản bảo đảm, khả năng nợ xấu cao, thường phải trích quỹ dự phòng để xử lý khoản nợ thất thu.
Box thông tin
Nhằm đem đến một cái nhìn toàn diện hơn về hình thức cho vay tiêu dùng còn mới mẻ này tại Việt Nam, đồng thời cảnh báo những rủi ro và hướng giải pháp để lành mạnh hóa thị trường này, vào lúc 9h sáng ngày 10/09/2015, buổi tọa đàm tài chính trực tuyến chủ đề “Quản trị rủi ro trong vay tiêu dùng tín chấp” sẽ diễn ra với sự tham gia của Chuyên gia Tài chính Ngân hàng – TS Đinh Thế Hiển, Trưởng Đoàn Luật Sư TPHCM – Ông Bùi Quang Nghiêm, Phó Giám Đốc NHNN – Ông Nguyễn Hoàng Minh cùng TGĐ Công ty Tài Chính FE Credit- Ông Kalidas Ghose.
Tổng hợp từ báo Thanh Niên