Xác định khả năng vay
Khi một người đi vay tại các tổ chức tín dụng hợp pháp như ngân hàng hoặc các công ty tài chính, thông tin về lịch sử vay và thanh toán khoản vay của người đó sẽ được lưu lại trên hệ thống của các tổ chức này cũng như tại CIC – Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sau đó, CIC sẽ tổng hợp thông tin thành một cơ sở dữ liệu thống nhất phản ánh lịch sử tín dụng của từng cá nhân.
Trên hệ thống CIC, người đi vay sẽ được xếp vào 1 trong 5 nhóm từ nhóm dư nợ đủ tiêu chuẩn đến nhóm dư nợ có khả năng mất vốn. Các thông tin này sẽ được các tổ chức tín dụng sử dụng để xét duyệt khoản vay, hạn mức và lãi suất của người đi vay. Người đi vay cần hiểu rõ việc để nợ quá hạn có thể dẫn đến những phiền phức không đáng có cho người đi vay như liên tục bị nhắc nợ qua điện thoại, tin nhắn, email. Thậm chí, bộ phận thu hồi nợ sẽ tìm đến gia đình người đi vay liên tục cho đến khi khoản nợ được thanh toán.
Trong một số trường hợp người đi vay bất hợp tác, lờ đi khoản nợ cần thanh toán có thể sẽ phải đối mặt với cảnh kiện tụng và tệ hơn nữa là nhận một bản án. Một khi người vay tiêu dùng đã từng hoặc đang vướng nợ xấu nhưng vẫn muốn tiếp tục vay hoặc tham gia mua sản phẩm trả góp sẽ bị các CTTC liệt vào “danh sách đen”, hồ sơ đăng ký vay của họ chắc chắn sẽ bị từ chối.
Lường trước những rủi ro có thể gặp phải
Đọc hiểu kỹ hợp đồng trước khi ký để tránh các hiểu lầm không đáng có về sau
Người đi vay thường không để ý đến tình trạng các khoản vay của họ dẫn đến một số lý do khiến phát sinh nợ xấu như chậm trễ hoặc không thanh toán các khoản vay, chi tiêu vượt quá thu nhập và khả năng thanh toán của người đi vay. Ngoài ra, người vay tiêu dùng do chủ quan không tìm hiểu kỹ đã ký tên thay trên các hợp đồng vay cho người khác dẫn đến trở thành con nợ xấu và phải chịu trách nhiệm thanh toán cho khoản vay dưới tên mình, hoặc bị “ăn chặn” từ “cò môi giới cho vay” với một khoản không nhỏ so với số tiền họ nhận được.
Bên cạnh đó người đi vay tiêu dùng thường không nắm rõ nguyên tắc và thời gian thanh toán của các khoản nợ. Đối với một số sản phẩm vay tiêu dùng như vay trả góp xe máy hoặc đồ gia dụng sẽ tùy theo quy định của các CTTC mà ngày thanh toán thường sẽ rơi vào các ngày đầu hoặc cuối tháng. Trong khi đó đối với sản phẩm thẻ tín dụng, thông thường khách hàng sẽ có đến 45 ngày miễn lãi suất cho các giao dịch phát sinh trên thẻ. Hạn chót thanh toán cho các khoản chi trên thẻ tín dụng thường là 15 ngày tính từ khi sao kê hàng tháng được gửi đi.
Chủ động và nâng cao hiểu biết khi đi vay Khi khách hàng có nhu cầu vay nhưng không thể tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng:
- Thay vì tìm đến tín dụng đen, dịch vụ cầm đồ, người đi vay nên đến các CTTC có uy tín trên thị trường để có khoản vay với mức lãi suất ưu đãi ,thời gian thẩm định và duyệt hồ sơ nhanh chóng.
- Đề nghị nhân viên của các CTTC này tư vấn kỹ càng giải pháp vay phù hợp nhất
- Tìm hiểu kỹ các điều kiện và điều khoản quan trọng của hợp đồng và yêu cầu nhân viên tư vấn giải thích rõ ràng các nội dung trên. Khi quyết định vay, người tiêu dùng cần tìm hiểu và xem xét kỹ:
- Lãi suất, khoản trả góp hàng tháng, cùng các phí như bảo hiểm khoản vay (không bắt buộc), phí phạt khi thanh toán trễ hoặc tất toán khoản vay trước hạn, các phương thức thanh toán…
- Xác định thu nhập và khả năng chi trả của bản thân, hạn chế phát sinh nợ xấu.
- Tránh ký thay hợp đồng vay cho người khác. Không để kẻ gian lợi dụng tính thêm phí môi giới hồ sơ hoặc các phí không có trong hợp đồng vay cũng như không ủy quyền cho người khác nhận tiền hoặc sản phẩm vay thay cho mình. Trong cùng một thời điểm, nếu người tiêu dùng có nhiều khoản vay:
- Cần theo dõi bảng sao kê tín dụng cá nhân thường xuyên để nắm rõ tình trạng tín dụng.
- Lập kế hoạch ưu tiên thanh toán các khoản nợ có lãi suất cao trước.
- Tận dụng các kênh thanh toán điện tử và ứng dụng trên di động để tiết kiệm thời gian, tránh trễ hạn thanh toán.