Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Kalidas Ghose, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân, kiêm Giám đốc Khối tín dụng tiêu dùng (VPBank) nhận định, trước tình hình cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn, thì đẩy mạnh cho vay tiêu dùng là một sản phẩm kích cầu sức mua, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Kalidas Ghose – Giám đốc Khối khách hàng cá nhân, kiêm Giám đốc Khối tín dụng tiêu dùng (VPBank)
Ông nhận xét thế nào về tiềm năng, tỷ lệ tăng trưởng của khách hàng vay tiêu dùng tại một thị trường mới nổi như Việt Nam?
Theo tôi, cho vay tiêu dùng tại Việt Nam sẽ tăng mạnh trong tương lai. Khả năng, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ tín dụng tiêu dùng (TDTD) sẽ gia tăng từ 20% đến 30% mỗi năm trong vòng 3 đến 4 năm tới. Việt Nam là một trong những quốc gia có lĩnh vực TDTD giàu tiềm năng nhất trong khu vực và trên thế giới. Thứ nhất, với dân số khoảng 90 triệu người, Việt Nam xếp thứ 14 trong các nước đông dân nhất thế giới. Thứ hai, Việt Nam có nền kinh tế năng động và thu nhập của người dân tăng theo mỗi năm. Vì thế, ngày càng có nhiều công ty tài chính có mặt tại Việt Nam. VPBank cũng đã tham gia thị trường TDTD với thương hiệu FE Credit và vừa mua lại một công ty tài chính nhằm thúc đẩy hiệu quả kinh doanh thông qua cho vay tiêu dùng.
Thực ra, TDTD đã được triển khai từ lâu, nhưng chỉ một số ít công ty tài chính hoạt động có hiệu quả. Liệu ngân hàng có thành công khi cạnh tranh về TDTD ?
Vấn đề đặt ra là, liệu ngân hàng có thể tập trung vào những yếu tố then chốt của ngành, như con người, công nghệ, quản trị rủi ro… hay không? Nếu không có sự đầu tư thích đáng vào những yếu tố trên, họ có thể gặp thách thức lớn trong lĩnh vực TDTD. Vì vậy, để thành công, cần đảm bảo rằng, ngân hàng có đủ khả năng chuyên môn để hoạt động tốt trong lĩnh vực TDTD và có sự quan tâm cần thiết đến những yếu tố trên. Do đó, chúng tôi không ngừng đầu tư vào công nghệ, sản phẩm, quản trị rủi ro và những yếu tố cốt lõi khác để hơn 700.000 khách hàng của mình được sử dụng dịch vụ với chất lượng cao nhất. FE Credit đang tạo lập vị thế về các chỉ tiêu số lượng khách hàng mới mỗi tháng, doanh thu và lợi nhuận đạt được.
Tuy nhiên, nhận thức của người dân về lĩnh vực này còn chưa cao, theo ông, cần phải làm gì để cải thiện tình trạng này? So với các thị trường khác trên thế giới, TDTD ở Việt nam chưa phổ biến, vẫn trong giai đoạn sơ khởi và 90-95% khách hàng là khách hàng mới. Do đó, hiểu biết, kiến thức của họ về lĩnh vực này chưa cao, nên các ngân hàng, tổ chức tín dụng có trách nhiệm nâng cao kiến thức cho khách hàng, minh bạch hóa các điều khoản cũng như hỗ trợ họ khi cần thiết.
Các tổ chức cho vay có quy trình kinh doanh và quy trình dịch vụ giúp khách hàng nâng cao kiến thức về tài chính tiêu dùng. Khi quá trình cho vay được minh bạch hơn, nhận thức của người tiêu dùng cũng sẽ tốt dần lên.
Thùy Vinh – Báo Đầu tư