Để ngăn ngừa hoạt động “tín dụng đen” thì việc nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường cho vay tiêu dùng (CVTD) cũng là một biện pháp hết sức căn cơ cần tính đến.
Những nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường TCTD cũng là một biện pháp hết sức căn cơ cần tính đến để ngăn ngừa hoạt động “tín dụng đen.”
Với việc nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân (đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp – nhóm khách hàng dưới chuẩn thường bị từ chối bởi các ngân hàng thương mại (NHTM) truyền thống), cho vay tiêu dùng (CVTD) sẽ góp phần làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ tín dụng phi chính thức, do đó, hạn chế cho vay nặng lãi. Vì thế, để ngăn ngừa hoạt động “tín dụng đen” thì việc nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường CVTD cũng là một biện pháp hết sức căn cơ cần tính đến.
“Tín dụng đen” bao vây dân nghèo
Vừa qua, tại hội thảo giải cứu người nghèo khỏi “bẫy tín dụng đen” của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các công ty luật và đơn vị liên quan, các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo hết sức mạnh mẽ về vấn nạn này.
Thượng tá Trần Thị Thúy (Tổng cục Cảnh sát) cho biết: “Từ năm 2010 đến hết năm 2014, liên tiếp xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Liên quan tới nó là hơn 6.000 vụ việc trong đó 41 vụ giết người, 318 vụ cố ý gây thương tích, 588 vụ cướp tài sản. Các đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ hung hãn tụ tập thành băng nhóm bắt giữ người trái pháp luật để xiết nợ, đòi nợ thuê, truy sát con nợ,vv.”
Các chuyên gia cũng cho biết “tín dụng đen” dịch vụ cho vay nặng lãi với “muôn hình – vạn trạng” từ vay nóng lãi suất cao, đến “bốc họ”, cầm đồ, thế chấp,vv, đang phổ biến tại các khu nhà trọ công nhân và quảng cáo nhan nhản trên Facebook. Người lao động nghèo không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng do các thủ tục hành chính phức tạp, trong khi thủ tục của các hình thức cho vay ngoài vòng pháp luật này lại rất nhanh gọn, không cần hợp đồng, chỉ cần ký sổ khiến họ dễ trở thành nạn nhân của “tín dụng đen”.
Theo bà Trần Thị Hồng Hạnh – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, do tín dụng đen là tín dụng “ngầm” ở thị trường phi chính thức, cả người đi vay và cho vay đều không xuất hiện nên việc phát hiện xử lý rất khó khăn. Do vậy phương án chủ yếu là biện pháp phòng, chống, ngăn ngừa. Đối với những người nghèo yếu thế trong xã hội vì hoàn cảnh mà phải vay nóng, cần nâng cao công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Song song đó, chúng ta cũng cần phát triển hoạt động của các tổ chức tín dụng phù hợp như Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô, tài chính tiêu dùng,vv, để hỗ trợ kịp thời nhu cầu vay vốn của tầng lớp dân cư thu nhập thấp.
Phát triển CVTD là hạn chế “tín dụng đen”
Các chuyên gia tài chính – ngân hàng cho hay, thời gian qua, các hình thức cho vay tiêu dùng, vay kinh doanh ngắn hạn trả góp đã được các ngân hàng phát triển mạnh giúp chiếm lại thị phần của tín dụng đen, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch CLB Pháp chế ngân hàng, một trong những lý do quan trọng hàng đầu để tín dụng chính thức đóng vai trò thay thế tín dụng đen là lãi suất thỏa thuận, bởi nó chứa đựng đầy đủ yếu tố thị trường bên trong hai chữ “thỏa thuận” đó. Ông Đức phân tích, hầu hết các tổ chức tín dụng đều mong muốn phát triển sản phẩm cho vay tiêu dùng đối với cá nhân. Tuy nhiên, do đồng thời quản lý cả những khoản vay của các tổ chức với hạn mức lớn và có tài sản bảo đảm theo phương thức truyền thống nên những quy định của ngân hàng đòi hỏi điều kiện, hồ sơ chặt chẽ, giấy tờ bài bản. Đó cũng chính là lý do để các công ty tài chính ra đời, thực hiện các dịch vụ cho vay tiêu dùng với các thủ tục hết sức đơn giản, dễ dàng, linh hoạt nhằm từng bước đẩy lùi tín dụng đen trên thị trường.
Trước những lo ngại, cho vay tiêu dùng hiện đang có mức lãi suất khá cao và có nguy cơ trở thành đầu mối của “tín dụng đen”, TS Lê Xuân Nghĩa khẳng định: “Tín dụng tiêu dùng hay các công ty tài chính không những không phải là tín dụng đen, mà còn là một cứu cánh cho những “khách hàng” của nạn này. Còn nếu muốn nói tới khía cạnh lãi suất cao thì cần hiểu rằng, rủi ro cao sẽ song hành với lãi suất cao là chuyện đương nhiên.Cao ở đây là so với các khoản vay giá trị lớn, thời gian dài và có tài sản đảm bảo, chứ nếu so với những rủi ro tiềm ẩn của loại hình vay tiêu dùng tín chấp thì lãi suất này là hợp lý.”
Về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, cần hết sức tránh sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm: lãi suất thỏa thuận giữa người cho vay và đi vay trên cơ sở thương mại và lãi suất áp đặt trong tín dụng đen, vẫn thường được gọi là lãi suất “cắt cổ”. Theo ông Hiếu, sẽ rất khó mở rộng loại hình cho vay tiêu dùng, nếu như ấn định trần lãi suất chung với cho vay bên ngoài với một mức thấp. Trần lãi suất dự kiến 20%/ năm là hoàn toàn xa rời thực tế, sẽ dẫn đến phần lớn giao dịch phạm luật và hạn chế kênh cho vay chính thức, khuyến khích hoạt động cho vay tự phát, gồm cả cho vay nặng lãi. Tổ chức tín dụng là những định chế cho vay chuyên nghiệp, do đó cho dù được phép thỏa thuận mức lãi suất thì họ vẫn sẽ giữ lãi suất ở mức hợp lý, điều chỉnh theo sự cạnh tranh của thị trường. Vì vậy, các giới hạn đặt ra đối với cho vay bên ngoài cần tham khảo ngay trên mức lãi suất hiện hành của các ngân hàng và các công ty tài chính, bởi cả hai đều là giao dịch hợp pháp, và các tổ chức tín dụng chịu sự điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng và theo xu hướng thị trường.
Cho vay tiêu dùng từ các tổ chức tín dụng phi ngân hàng là hoạt động cung cấp các khoản vay quy mô nhỏ, thường không có thế chấp cho cá nhân để mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho các mục đích tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình, phân biệt với hoạt động cho vay thương mại nhằm hướng đến mục đích sản xuất, kinh doanh, thường được cung ứng bởi các ngân hàng. Hoạt động cho vay tiêu dùng đã sớm phát triển trong cuộc sống của con người và ngày càng được thúc đẩy bởi các nhu cầu phát triển của xã hội.
Cho vay tín chấp giúp kích cầu tiêu dùng, qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Có thể nói, hoạt động này không chỉ có ý nghĩa với từng cá nhân, mà còn mang lại những tác động tích cực cho toàn xã hội. Bên cạnh ý nghĩa nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân (đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp, không có lịch sử tín dụng – đây là nhóm khách hàng dưới chuẩn thường bị từ chối bởi các NHTM truyền thống), nó còn giúp giảm nhu cầu đối với các dịch vụ tín dụng phi chính thức, do đó, hạn chế cho vay nặng lãi và kích cầu tiêu dùng, qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia. Chính vì thế, để ngăn ngừa hoạt động “tín dụng đen”, các cơ quan chức năng cần đưa ra các giải pháp đồng bộ, từ tuyên truyền cho người dân, đến việc ban hành các chế tài mạnh đủ sức răn đe với lối làm ăn phi pháp. Song song đó, những nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của thị trường TCTD cũng là một biện pháp hết sức căn cơ cần tính đến.
Nguyên Trang
Nguồn: Infornet