Trong thời gian gần đây, nhiều bàn luận cho rằng lãi suất cho vay tiêu dùng (CVTD) tại Việt Nam là quá cao. Tuy nhiên cần hiểu rằng, mức lãi suất cho phân khúc cho vay tín chấp tiêu dùng của các công ty tài chính hoàn toàn khác với các sản phẩm cho vay của ngân hàng thương mại. Đó là xu thế không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước phát triển.
Cao hơn là…chắc chắn
Chuyên gia kinh tế – TS Đinh Thế Hiển cho rằng việc tách bạch hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng thương mại (NHTM) và cho vay tín chấp là theo thông lệ quốc tế. Cho vay tín chấp rủi ro cao nên lãi suất cao. Chẳng hạn, một ngân hàng thương mại cho vay trả góp 3%/tháng (36%/năm) bị phê phán là cao (vì yêu cầu tài sản thế chấp – PV) nhưng công ty tài chính (CTTC) cho vay có khi lên tới 50%-60%/ năm không phải là 1 trường hợp hiếm, vì rủi ro lớn.
Khác với cho vay tiêu dùng có thế chấp của các NHTM hiện nay, các CTTC triển khai hoạt động cho vay tín chấp với mức lãi suất cao hơn bởi lẽ:
Thứ nhất, phân khúc khách hàng chính của các CTTC là những người không đủ điều kiện (hoặc ngại) tiếp cận tín dụng ngân hàng. Thêm vào đó, vì hồ sơ cho vay đơn giản, thủ tục nhanh chóng, người vay chỉ cần cung cấp một số bản sao giấy tờ mà không yêu cầu tài sản đảm bảo nên CTTC sẽ phải chịu rủi ro cao và cần có chi phí dự phòng, bù đắp cho vấn đề này.
Thứ hai, về mô hình hoạt động của CTTC, với đặc thù không được huy động vốn trực tiếp từ dân cư mà phải vay lại từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác (nhằm đảm bảo an ninh tài chính xã hội) nên chi phí giá vốn đầu vào cao hơn nhiều so với các ngân hàng.
Bên cạnh đó, hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC không giống như hoạt động cho vay tiêu dùng của ngân hàng (cho vay mua nhà, mua ô tô…) mà thường là những khoản vay ngắn và rất nhỏ (chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu), luôn phải nhanh gọn, thông thoáng. CTTC cũng phải triển khai hệ thống dịch vụ đến từng điểm bán hàng, phải xây dựng đội ngũ quản lý, thu hồi nợ cồng kềnh hơn ngân hàng …Những chi phí này đều phải tính vào chi phí đầu vào của mỗi loại sản phẩm cho vay.
Hiện nay, theo thống kê, dải lãi suất cho vay tiêu dùng (tín chấp) tại Việt Nam vào khoảng từ 25% – 60% trong khi đó lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước khoảng 9%. Vì vậy, nếu so sánh tỷ lệ lãi suất cho vay tiêu dùng/lãi suất cơ bản của Việt Nam (25%-60%/ 9%) với các nước khác trên thế giới (theo số liệu của PwC), ví dụ Mỹ 8%-36%/ 0,25%; EU 15% – 25%/ 0,25%; Trung Quốc 10% – 40%/ 6%; Brazil 30% – 70%/ 10,5%; Nhật 9% – 17%/ 0,1%; Ấn Độ 12% – 48%/ 8%… thì rõ ràng chúng ta sẽ có một tỷ lệ khá tương đương.
Về cơ bản, lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC là lãi suất thỏa thuận, trên cơ sở Cung – Cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng. Đây là cơ chế chung không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước phát triển.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, ở các nước châu Âu hay Ấn độ, Trung Quốc… lãi vay tiêu dùng do các CTTC cung cấp thường cao gấp đến 10 lần so với lãi suất của ngân hàng nhưng thị trường này vẫn phát triển và khách hàng vẫn chấp nhận vì những ưu việt về sự nhanh chóng và tại chỗ trong giải ngân, sự đơn giản về thủ tục, sự phù hợp với khả năng chi trả… mà loại hình này mang lại.
Cho vay tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống
Theo nhận định của các chuyên gia, trong những năm tới, tài chính tiêu dùng được dự đoán là sẽ đóng một vai trò trung tâm cho quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng. Do vậy, hoạt động cho vay tiêu dùng cần được khuyến khích vì nó giúp gia tăng độ tiếp cận dịch vụ tín dụng, đặc biệt là đối với nhóm đối tượng có thu nhập thấp, qua đó, đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, gia tăng sự hiểu biết về mặt tài chính, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cơ bản.
Việt Hà
Nguồn: Vietnamnet