Giáo dục nâng cao kiến thức về tài chính cá nhân cho người dân là điều vô cùng cần thiết để định hướng tiêu dùng, tránh rủi ro từ tín dụng đen.
“Bên cạnh việc khuyến khích các công ty tài chính mở rộng cho vay đối với tài chính cá nhân, việc đào tạo kiến thức về tài chính cá nhân ngay từ trên ghế nhà trường là một biện pháp mang tính lâu dài.”
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ở nhiều nước trên thế giới, việc giáo dục tài chính cho người dân, nhất là lớp trẻ được chú trọng từ khi còn nhỏ tuổi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, khái niệm này vẫn còn rất mới mẻ, từ việc xây dựng, quản lý, đến chi tiêu tài chính cá nhân
Giáo dục tài chính cá nhân chính là việc hướng dẫn người dân kiến thức về tiền, cách làm ra tiền và chi tiêu sao cho đúng và hiệu quả. Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), hiện nay, bên cạnh việc khuyến khích các công ty tài chính mở rộng cho vay đối với tài chính cá nhân, việc đào tạo kiến thức về tài chính cá nhân ngay từ trên ghế nhà trường là một biện pháp mang tính lâu dài.
“Quan trọng hơn, nó sẽ giúp người học ý thức được việc quản trị chi tiêu cá nhân ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Những kiến thức học được sẽ giúp hình thành thói quen quản trị tài chính cá nhân và sẽ giúp ích rất nhiều cho cuộc sống sau này của mỗi người”, TS. Nguyễn Đức Thành nói.
Giáo dục tài chính cá nhân chính là việc hướng dẫn người dân kiến thức về tiền, cách làm ra tiền và chi tiêu sao cho đúng và hiệu quả.
Còn theo ThS. Nguyễn Tiến Thành, giảng viên khoa Tài chính – ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, tài chính cá nhân đóng một vai trò quan trọng không chỉ đối với các cá nhân mà còn đối với tổng thể nền kinh tế – xã hội. Việc nâng cao nhận thức về tài chính cá nhân và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ về tài chính cá nhân sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của các cá nhân nói riêng, đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính cũng như sự phát triển bền vững của xã hội nói chung.
“Khi tài chính cá nhân được quan tâm hơn, các cá nhân sẽ có kế hoạch quản lý tài chính phù hợp, khi đó, từ việc chi tiêu, tiết kiệm cho đến đầu tư trở nên hiệu quả hơn rất nhiều. Đây sẽ là đòn bẩy thúc đẩy phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính trên thị trường như tiết kiệm, bảo hiểm hay các sản phẩm đầu tư tài chính, và nhất là tín dụng tiêu dùng. Thông qua các nhà quản lý hay tư vấn tài chính cá nhân, thông tin về sản phẩm sẽ được đưa tới các nhà đầu tư hay các cá nhân một cách nhanh nhất. Nhờ đó, nền kinh tế một lần nữa được hưởng lợi, phát triển nhanh và bền vững hơn. Khi người dân nhận thức được tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân, đây sẽ là động lực để ngành dịch vụ về tài chính cá nhân phát triển”, ThS. Nguyễn Tiến Thành cho biết.
Nguồn: VOV Việt Nam