1. Thỉnh thoảng kiểm kê đồ đạc xem có món nào còn quên chưa được dùng tới – bạn sẽ cảm thấy vui cũng như mua đồ mới – và tránh trường hợp mua phải thứ đã mua rồi!
2. Mua đồ theo giá trị sử dụng và luôn coi trọng sự lâu bền. Đừng để bị cuốn hút bởi mã ngoài hoặc chạy theo trào lưu – đơn giản bởi vì bạn sẽ phải trả giá đắt hơn giá trị thật gấp nhiều lần. Tư tưởng thời thượng đồng nghĩa với nhất thời thường được liệt vào hạng đua đòi hơn là đẳng cấp.
3. Không nên mua đồ chỉ vì rẻ. Chỉ mua thứ đã được khẳng định vừa tốt vừa rẻ, vừa có giá trị sử dụng đối với bạn. Nếu không có ý định tiết kiệm, bạn hãy mua một món đồ thật xịn, thật đẳng cấp. Lúc bỏ tiền bạn sẽ thấy hơi xót xa và nhịn mua một thời gian dài để hồi phục!
4. Tìm mọi lý do để trì hoãn hoặc không mua, nếu món đồ chưa thực sự cần thiết. Một thứ mà nếu không mua ngay cũng chẳng sao thì rõ ràng là bạn chưa thực sự cần nó. Lý do lớn nhất để không mua một món đồ là vì bạn sẽ không có khả năng mua một món đồ khác cần thiết hơn.
5. Hầu hết hàng hoá đều được sản xuất hàng loạt, luôn được thay thế bởi những xê-ri tối tân hơn chứ không phải thứ phải mua bằng mọi giá. Càng nhiều đồ càng mất thời gian để sử dụng, bảo dưỡng và trông coi chúng. Còn đã trót là một nhà sưu tập, bạn thử xem lại mình có thỉnh thoảng quý đồ vật hơn người không?!
6. Chỉ mua món đồ bạn không chê vào đâu được nữa. Rất có thể món đồ bạn thực sự ưng ý đang đợi bạn trong một cửa hàng khác!
7. Hạn chế cho đồ cũ! Vì việc này sẽ khiến có cảm giác mình cần phải đi mua đồ mới để… thưởng cho sự hào phóng của mình. Một ngày đẹp trời bạn sẽ thấy muốn dùng những thứ mình đã trót cho đi! Nếu đã quyết chỉ nên cho những người thực sự cần món đồ của bạn. Vì đồ đem cho không phải là quà tặng nên không phải người được cho nào cũng đánh giá đúng nó.
8. Tránh để bị tác động bởi những ảo tưởng về giá trị. Các nhà sản xuất chỉ đợi bạn mắc vào chiêu thức thả bóng bắt mồi đó mà thôi. Đáng tiếc là trong một xã hội tiêu thụ, người ta lại hay đánh giá mức độ thành công, đáng tin cậy của một người qua ngoại vật.
9. Thường xuyên chơi thể thao hoặc tham gia một khoá học vào thời gian rỗi. Tránh tạo thói quen dạo qua các cửa hàng và tự huyễn hoặc là mình chỉ thư giãn thôi – có mua thêm mấy món đồ xinh xinh kia về thì cũng chỉ để cho chuyến thư giãn khỏi vô nghĩa… Thế rồi chẳng mấy chốc mà bạn có thể mở hiệu tạp hoá trong phòng ngủ.
10. Thỉnh thoảng về các vùng quê hoặc du lịch đến những nơi hoang dã để tận thấy người ta sống thoải mái bên ngoài thế giới vật chất. Còn bạn sẽ thấy vừa lòng hơn với sự thiếu thốn của bản thân chăng?!
11. Chơi với những người hợm hĩnh, khoe của thì sớm muộn cũng xảy ra với bạn 2 trường hợp: 1- lây bệnh của họ, 2- dị ứng với họ. Vậy tốt nhất hãy tránh xa hoặc bỏ ngoài tai những lời kích bác của họ. Tuy nhiên, đừng mất thời gian tranh cãi hoặc lên lớp họ. Mỗi người có lối sống và quyết định riêng của mình
(Theo TT&GĐ)