Tín dụng tiêu dùng hay vay mua hàng trả góp, vay tiêu dùng tín chấp là khái niệm không còn mới trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Đây là một nghiệp vụ cho vay dựa trên uy tín cá nhân có thể đánh giá được của một tổ chức tín dụng thương mại dành cho một khách hàng mà không cần phải thế chấp tài sản.
Trả giá ngang bằng
Vay tiêu dùng tín chấp là những giao dịch mà ở đó mỗi bên đều muốn thỏa mãn lợi ích của mình. Trong trường hợp này người tiêu dùng được hưởng lợi là có ngay hàng hóa, dịch vụ để sử dụng, tiêu dùng mặc dù trong túi chưa có đủ tiền. Số tiền còn vay nợ lại sẽ được trả dần phù hợp với thu nhập của họ.
Ngược lại, họ cũng phải trả giá ngang bằng với khát vọng có ngay hàng hóa được các ngân hàng hay công ty tài chính (công ty tài chính) đáp ứng, đó là phải tuân thủ các quy định về nghĩa vụ trong hợp đồng cho vay. Và điều nổi trội mà khách hàng thường quan tâm là lãi suất thường cao hơn so với lãi suất cho vay thế chấp thông thường (vay kinh doanh, mua nhà…) của các ngân hàng thương mại do đây là hình thức cho vay tín chấp (không tài sản đảm bảo). Trong khi đó, vay ngân hàng thường là vay thế chấp. Và rõ ràng, rủi ro tín dụng lớn sẽ phải đi kèm với lãi suất cao.
Hiện nay, tại Việt Nam, người tiêu dùng thường hướng nhu cầu của mình tới các công ty tài chính bởi thủ tục của các công ty này thường nhanh gọn, đơn giản hơn nhiều so với các ngân hàng. Bên cạnh đó, các công ty này cũng hướng đến cho vay tín chấp tiêu dùng ở ba dòng sản phẩm – dịch vụ rất phổ biến là: dịch vụ tài chính mua xe máy trả góp, mua điện thoại – điện máy trả góp và dịch vụ cho vay tiền mặt phục vụ các nhu cầu tiêu dùng cá nhân.
Mức lãi suất cho vay tại các công ty tài chính tùy thuộc từng đối tượng khách hàng thỏa mãn được nhiều hay ít các điều kiện cho vay; theo đó, công ty tài chính áp dụng nhiều mức lãi suất cho khách hàng dựa vào lịch sử tín dụng, khả năng chi trả của khách hàng, đặc thù sản phẩm vay…
Nói một cách dễ hiểu là những khách hàng càng có nhiều thông tin chứng minh khả năng trả nợ của mình thì mức lãi suất cho vay sẽ càng thấp. Các công ty tài chính có kỹ thuật tính lãi suất theo thang điểm rất cụ thể đối với từng khách hàng. Bên cạnh đó, mức lãi suất còn phụ thuộc vào thời gian vay, khoản trả trước (số tiền trả trước của khách hàng để mua sản phẩm).
Mặt khác, về mô hình hoạt động của công ty tài chính, với các đặc thù như: không được huy động vốn trực tiếp từ dân cư mà phải vay lại từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác, do đó, chi phí vốn đầu vào cũng cao hơn nhiều so với các ngân hàng.
Bên cạnh đó, hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính cũng không giống như hoạt động cho vay mua nhà, mua ôtô… của các ngân hàng mà thường là những khoản vay ngắn và rất nhỏ, (chỉ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/ hợp đồng), luôn gắn liền với hoạt động mua sản phẩm của khách hàng tại điểm bán; cùng với đó là việc phải triển khai hệ thống dịch vụ đến từng điểm bán hàng; xây dựng đội ngũ quản lý, thu hồi nợ; trích lập dự phòng rủi ro lớn, v.v… Những chi phí này công ty tài chính đều phải tính vào chi phí đầu vào của mỗi loại sản phẩm.
Mặc dù, lãi suất cho vay của các khoản vay của công ty tài chính cao nhưng người tiêu dùng vẫn quyết định lựa chọn bởi tính tiện lợi, thủ tục nhanh gọn và đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng nhanh của cá nhân. Các công ty tài chính có thể hỗ trợ vốn cho khách hàng chỉ sau 1 ngày, 1 giờ thậm chí là… 15 phút. Trong khi đó, nếu đến các ngân hàng thì có thể phải chờ cả tuần thậm chí là không vay được vì không đáp ứng các điều kiện bắt buộc.
Tại nhiều nước châu Âu hay Ấn Độ, Trung Quốc…, lãi vay tiêu dùng do các công ty tài chính cung cấp có thể cao gấp đến 10 lần so với lãi suất của ngân hàng, nhưng thị trường này vẫn phát triển và khách hàng vẫn chấp nhận, vì những ưu việt về sự nhanh chóng và tại chỗ trong giải ngân, sự đơn giản về thủ tục, sự phù hợp với khả năng chi trả… mà loại hình này mang lại.
Khách hàng là người quyết định
Trong quá trình sử dụng sản phẩm tài chính tiêu dùng mà các công ty tài chính đang triển khai, không ít khách hàng đã phàn nàn về việc sau khi vay mới tá hỏa vì lãi suất phải trả cao. Nhưng, đây cũng chính là điều khiến các công ty tài chính đau đầu nhất trong quá trình xử lý vướng mắc với người vay hiện nay.
Thực tế, khách hàng khi cần tiền gấp, họ sẽ chấp nhận bất cứ điều kiện gì để vay được và vội vàng ký hợp đồng mà không cần quan tâm lãi suất, khoản trả hàng tháng và tính toán khả năng trả nợ. Tuy nhiên, khi không trả được nợ, khách hàng sẽ đưa ra những lý do như nhân viên tư vấn cho vay sơ xài, họ không đọc hết hợp đồng, v.v…
Tuy nhiên, về mặt pháp lý, đây là những thỏa thuận dân sự và công ty tài chính là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, được điều chỉnh bởi các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành ngân hàng. Theo đó, các công ty tài chính có quyền thỏa thuận về mức lãi suất cho vay tiêu dùng với từng khách hàng, từng sản phẩm.
Mỗi hợp đồng vay được ký giữa công ty tài chính và khách hàng là một thỏa thuận với sự tự nguyện của khách hàng khi chọn sản phẩm vay phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả.
Ngoài việc nhân viên tư vấn và giúp khách hàng chọn được gói vay phù hợp nhất thì mọi quyết định vay đều phụ thuộc vào khách hàng trên tinh thần hiểu và tự nguyện, để có thể tránh được những tình huống khó xử sau khi giải ngân.
Chính vì thế, trước khi vay, khách hàng cần lưu ý các điểm sau:
Thứ nhất, cần xác định rõ nguồn tài chính để trả nợ, nó phải đảm bảo tính khả thi và chỉ nên vay để mua những mặt hàng/dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.
Thứ hai, thực tế cho thấy hợp đồng tín dụng thường dài và có nhiều thuật ngữ có thể dẫn đến khách hàng không hiểu hết hoặc hiểu lầm. Do vậy người tiêu dùng phải đọc thật kỹ nội dung hợp đồng; điểm nào chưa thấy, chưa rõ cần hỏi ngay lại nhân viên tư vấn.
Thứ ba, khách hàng cần phải chú ý mức phí phạt vi phạm hợp đồng (đặc biệt là phí trả nợ trước hạn, hoặc chậm trả nợ) và cần cân đối kỹ khả năng tài chính, xác định chính xác thời gian có nguồn trả nợ để ký kết thời hạn vay và kỳ hạn trả nợ.
Tránh tình trạng khi vay thì muốn vay thời gian dài cho yên tâm, đến khi có tiền lại không dám trả nợ, âm thầm chịu lãi hoặc nếu trả thì phải chịu tiền phí trả nợ trước hạn.
Để thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam phát triển bền vững và chuyên nghiệp, bên cạnh việc Nhà nước cần có hành lang pháp lý riêng cho loại hình hoạt động này, tạo ra sự minh bạch và cạnh tranh lành mạnh. Các công ty tài chính cần phát triển bài bản, lành mạnh để nâng sức cạnh tranh trên thị trường, hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và khách hàng. Nhà nước, doanh nghiệp và các tổ chức cần thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tài chính tiêu dùng, thì bản thân mỗi người tiêu dùng cũng cần là khách hàng thông thái.
Nguồn: Theo VnEconomy