Đó là nhận định của TS. Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương. Theo chuyên gia kinh tế này, hoạt động cho vay tiêu dùng xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân (nhất là những người có thu nhập thấp) có cơ hội tiêu dùng trước, chi trả sau dưới nhiều hình thức. Bên cạnh đó, loại hình cho vay này còn mang lại những tác động tích cực cho toàn xã hội.
Vay tiêu dùng giúp cải thiện đời sống người có thu nhập thấp
Dưới đây là một số trao đổi của PV với TS. Lê Đăng Doanh về loại hình cho vay tiêu dùng.
Hiện nay thị trường tài chính tiêu dùng đang phát triển khá sôi động, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận rất đông người dân cần các khoản chi tiêu nhỏ mà chúng ta đều biết những khoản vay này thường rất khó tiếp cận vốn ngân hàng bởi thủ tục, tài sản thế chấp. Vậy ông đánh giá như thế nào về những ưu thế, tiềm năng cũng như lợi ích của thị trường tài chính tiêu dùng này?
TS. Lê Đăng Doanh: Cho vay tiêu dùng diễn ra rất phổ biến và đa dạng tại các nước phát triển với nhiều hình thức khác nhau. Thông thường, các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, kết hợp với các doanh nghiệp như các công ty bán thiết bị, vật tư, tài sản, các siêu thị điện máy để bán sản phẩm cho vay tài chính. Họ cho vay với mức lãi suất mà người tiêu dùng chấp nhận được, sau đó người tiêu dùng được quyền trả góp.
Điều này đã góp phần cải thiện đời sống cho các cặp vợ chồng trẻ, những người lao động, học sinh, sinh viên, những người có thu nhập thấp. Những người này khi mới bắt đầu lấy nhau, hoặc vừa ra trường thì thường chưa đủ tích lũy tài sản,chưa có lịch sử tín dụng nên rất khó để vay ngân hàng, nhưng nếu với sự trợ giúp từ cho vay tiêu dùng, họ có thể mua được các tài sản và có các đồ dùng phục vụ cho cuộc sống như tivi, tủ lạnh, điều hòa,vv, thông qua hình thức vay và trả góp dần.
Hiện nay, các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính ở Việt Nam đang có xu hướng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng. Theo đó, ngày càng nhiều các gói tín dụng được đưa ra nhằm hỗ trợ nhu cầu sinh hoạt, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại, công ty tài chính hiện vẫn đang gặp phải một số vấn đề khó khăn lớn, đặc biệt là việc xác định tiêu chí để dựa vào đó đánh giá các mức độ tin cậy của khách hàng.
Cho vay tiêu dùng có góp phần chống tín dụng đen, thưa chuyên gia?
TS. Lê Đăng Doanh: Vay tiêu dùng là một nhu cầu tất yếu của rất nhiều người nên chắc chắn khi phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng sẽ giúp cho người dân không phải dựa vào tín dụng đen để vay nóng và trả lãi rất cao. Người dân không nên đến với tín dụng đen- nơi đầy rẫy những dấu hiệu lừa đảo, với hứa hẹn hấp dẫn từ các “cò” cho vay để rồi sau đó trắng trợn đổi trắng thay đen, không giữ lời hứa, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho người vay.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: “Các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính ở Việt Nam đang có xu hướng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng”
Vậy theo ông, chúng ta cần phải có những cơ chế chính sách như thế nào để khuyến khích thị trường cho vay tiêu dùng phát triển một cách lành mạnh, đúng hướng?
TS. Lê Đăng Doanh: Để cho thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, thứ nhất Nhà nước cần có những quy định rõ ràng, cởi mở hơn về hành lang pháp lý. Hai nữa là có sự giám sát thị trường này một cách chặt chẽ. Thứ ba, cần có các biện pháp trừng phạt để hạn chế những kẻ lừa đảo ở thị trường tín dụng đen. Thứ tư, người dân hãy là những người tiêu dùng thông minh khi lựa chọn loại hình dịch vụ cho vay tiêu dùng chính thống, cần tìm hiểu đầy đủ thông tin và trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để tự “bảo vệ” mình .
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Nguyễn Quân
Nguồn: Dân Trí
Tại Việt Nam, dịch vụ cho vay tiêu dùng thường được cung cấp bởi các Ngân hàng thương mại (NHTM) và các công ty tài chính tiêu dùng (TCTD). Trong đó, các NHTM tập trung vào nhóm khách hàng đạt chuẩn cấp tín dụng (có thu nhập thường niên từ khá trở lên, có điểm tín dụng cao, có lịch sử tín dụng tốt) và cung cấp các khoản vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo (chủ yếu là các khoản cho vay mua nhà, xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, mua ô tô; chi tiêu qua thẻ,vv).
Trong khi đó, các CTTC lại hướng đến đối tượng khách hàng đại chúng dưới chuẩn cấp tín dụng của ngân hàng (có thu nhập trung bình hoặc thấp,không chứng minh được thu nhập, chưa có lịch sử tín dụng hoặc điểm tín dụng thấp, khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng) và cung cấp các khoản vay tiêu dùng nhỏ, không tài sản đảm bảo, phục vụ các nhu cầu mua sắm như trang thiết bị gia đình, xe máy, tiền mặt phục vụ nhu cầu đột xuất. Đây là phân khúc khách hàng mà các NHTM không hướng tới do các điều kiện ràng buộc về quản trị rủi ro.
Thông thường, mức lãi suất cho vay của các CTTC cao hơn mức lãi suất của các NHTM do các CTTC không được huy động vốn trực tiếp từ dân cư mà phải vay lại từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính khác (nhằm đảm bảo an ninh tài chính xã hội) nên chi phí giá vốn đầu vào cao. Do đó, người tiêu dùng cần hiểu và xác định rõ trước khi vay để tránh những vấn đề và hiểu lầm không đáng có.
Với các cơ quan quản lý, cũng cần sớm ban hành những quy định để phân biệt hai loại hình này và có chính sách hợp lý để thúc đẩy thị trường TCTD tín chấp của các công ty tài chính, nhằm giúp nhiều người dân thuộc nhóm khách hàng dưới chuẩn của ngân hàng được tiếp cận tín dụng hợp pháp và góp phần phòng chống vấn nạn “tín dụng đen”.
PV