Nhà báo Hữu Việt: Xin được hỏi bình luận viên Quang Huy, nhà báo Nguyễn Minh Hải, trong hành trình giành vé đi Word Cup hồi đầu năm và chiến thắng tại SEA Games 31, các cô gái của chúng ta đã thể hiện một lối chơi rất hiện đại với các mảng miếng phối hợp sắc nét; đồng thời cũng có những “độc chiêu” riêng. Xin các anh phân tích kỹ hơn về vấn đề này?
Bình luận viên Quang Huy: Tôi nhớ những năm đầu tiên làm thể thao, Việt Nam còn chưa có giải bóng đá nữ quốc gia. Khi đó mới có giải bóng đá nữ Hà Nội mở rộng với các đội đầu tiên là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Tây. Sau đó đến Cúp Than Quảng Ninh năm 1997 tổ chức. Giải Quốc gia nữ đầu tiên là vào năm 1998, và tôi may mắn được tường thuật giải này. Chúng ta đã dự SEA Games và giành Huy chương Đồng năm 1997 từ trước khi chúng ta có giải nữ quốc gia.
Trải qua một hành trình như vậy, chúng ta đã giành vé đi World Cup và 7 lần vô địch SEA Games. Thật sự rất đáng tự hào và rất xứng đáng với những phẩm chất của phụ nữ Việt Nam.
Trong cách chơi của đội nữ, chúng ta luôn toát lên được những phẩm chất của phụ nữ Việt Nam như khả năng chịu đựng, sự khôn khéo. Có những chuyện như chấn thương của Chương Thị Kiều, chịu đau băng bó để vào sân thi đấu tiếp mặc dù máu chảy ra ngoài cả băng.
Hay như tôi nhớ trong trận đấu ở SEA Games 2017, cầu thủ Kim Chi, hiện nay cũng có trong ban huấn luyện, có một cú ngã cắm đầu trong trận đá với Thái Lan, nhưng sau đó chỉ ra băng đầu rồi lại vào đá tiếp. Sau này tôi có chia sẻ với một số cầu thủ nam, là nam giới mà ngã như vậy chắc là không đá được nữa luôn, bởi vì có khi xương của phụ nữ dẻo hơn, mềm hơn.
Huấn luyện viên Mai Đức Chung có một thuận lợi, là một danh thủ của Đường Sắt trước đây và rất hợp với bóng đá nữ, nhưng anh cũng có một thời gian làm bóng đá nam, thành tích cũng rất tốt, từng dẫn dắt Bình Dương đá Cup Quốc gia, và từng đạt được thành tích lịch sử là vào tới trận bán kết cúp C2 châu Á.
Tôi cảm giác là quãng thời gian anh Chung làm bóng đá nam vài năm xong trở lại làm bóng đã nữ, đã có thêm độ sắc sảo và linh hoạt. Tất nhiên những năm đó, bóng đá nữ cũng đã có những sự đầu tư tận gốc rõ hơn. Đến ngày hôm nay sự đãi ngộ và đầu tư tận gốc cũng chưa phải là đã được như mong muốn. Bóng đá nữ vào năm gần đây ngoài giải quốc gia và các giải quốc tế, cũng bắt đầu có những giải trẻ như U19, U16. Đó là hệ thống ươm mầm rất tốt.
Anh Mai Đức Chung trong thời gian làm bóng đá ở V-League cũng đã có thêm kinh nghiệm từ bóng đá nam bổ sung cho bóng đá nữ. Chúng tôi khi bình luận đều rất vui và đều rất tự hào bởi bóng đá nữ ngoài những phẩm chất vốn có, lối đá cũng linh hoạt hơn, đa dạng hơn.
Những miếng đánh như ở SEA Games hay ở vòng loại châu Á mà chúng ta giành vé đi World Cup, có những pha bóng tưởng chừng chỉ thấy ở giải nam, bây giờ nữ cũng làm được, đó là điều đáng mừng.
Về chăm sóc và đãi ngộ, chúng ta đã có sự chăm sóc tốt hơn, có tuyến trẻ. Một số đơn vị tập đoàn cũng đã có tiếp nhận đầu ra cho các tuyển thủ nữ sau khi giải nghệ, bảo đảm định hướng tương lai cho cầu thủ.
Tuy nhiên vẫn cần có sự chăm sóc thường xuyên hơn đối với các cầu thủ nữ, không chỉ khi nào có thành tích, lên cao trào mới có sự hưởng ứng, chăm sóc, mà phải thường xuyên hơn, hằng ngày hằng giờ, phải có sự gắn bó với nhau rõ ràng hơn.
Tiềm năng của bóng đá nữ Việt Nam vẫn còn rất lớn, cần phải cùng nhau thúc đẩy và chăm sóc tốt hơn mới đẩy được tiềm năng của bóng đá nữ Việt Nam cao hơn nữa.
Tôi cũng muốn nói với anh Mai Đức Chung là rất muốn World Cup nữ đầu tiên trong lịch sử, anh sẽ vẫn tiếp tục dẫn dắt đội tuyển nữ. Tôi hiểu là bây giờ anh cũng đã cao tuổi rồi, muốn nhường lại cơ hội cho người khác, nhưng đây là World Cup đầu tiên của đội tuyển nữ Việt Nam sẽ có những bỡ ngỡ vấp váp không tránh khỏi, nếu anh dẫn dắt tiếp, sẽ thấy được rõ nhất những thước đo cho đội tuyển Việt Nam, mức độ hay tầm vóc như thế nào. Chúng ta cũng biết mình đứng ở đâu để từ đó xây đắp bóng đá nữ tốt hơn. Còn nếu người khác dẫn dắt, sẽ có những đánh giá từ bên ngoài theo kiểu người kế tục anh Chung không phản ánh đúng năng lực của đội nữ.
Nhà báo Hữu Việt: Tôi muốn hỏi luôn ý kiến của các tuyển thủ nữ Việt Nam về ý kiến của bình luận viên Quang Huy?
Cầu thủ Huỳnh Như: Chúng con vẫn muốn thầy Chung tiếp tục dẫn dắt đội tuyển nữ Việt Nam.
Nhà báo Minh Hải: Tôi rất đồng ý với quan điểm của bình luận viên Quang Huy. Bởi vì ngay sau khi trở về từ SEA Games, khi cảm xúc còn đặc quánh, Minh Hải đã đến nhà huấn luyện viên Mai Đức Chung và 2 bố con cũng có ngồi nói chuyện với nhau.
Quan trọng nhất là trí tuệ Việt Nam. Con người Việt Nam vẫn ao ước được đứng trên đấu trường cao nhất của thế giới để mang bản lĩnh, trí tuệ cạnh tranh, để người ta biết rằng ở Việt Nam dù vẫn bị coi là vùng trũng thể thao, nhưng vẫn có nền bóng đá đủ tốt và cá nhân chơi hay.
Đó không chỉ là nguyện vọng của anh Quang Huy mà còn của 90 triệu dân Việt Nam sẽ bỏ phiếu cho huấn luyện viên Mai Đức Chung tiếp tục dẫn dắt đội tuyển nữ tại World Cup. Tất nhiên, chúng ta vẫn cần tôn trọng quyết định của huấn luyện viên Mai Đức Chung.
Tôi cũng tin huấn luyện viên Mai Đức Chung và Liên đoàn bóng đá (LĐBĐ) Việt Nam sẽ tính toán để có được một vị trí cho huấn luyện viên Chung, có thể không phải huấn luyện viên trưởng, nhưng có thể ở cương vị khác.
Trở lại câu hỏi của anh Hữu Việt, tôi cũng là một nhà báo nên tôi muốn kể chuyện nhiều hơn là phân tích. Mọi người rất khâm phục Chương Thị Kiều, khi bạn ấy đá rách hết ở phần bụng chân, nhưng đó chỉ là nửa câu chuyện. Kiều bị đứt bán dây chằng.
Ngay buổi tối hôm sau, trong khi các đồng đội đang xem bóng đá nam, thì bạn ở nhà cùng thủ môn Kim Thanh. Và tôi có đến thăm đúng lúc bác sĩ tới khám, thực sự tôi chưa từng nghe tiếng kêu nào đau đớn đến thế. Khi thuốc sát trùng mới chạm vào vết thương, rất kinh khủng.
Tôi mới hỏi Chương Thị Kiều: “Nếu có cơ hội làm lại, em có làm không?”. Kiều trả lời khiến tôi cảm thấy vô cùng nhỏ bé: “Em không thể để đồng đội ở lại phía sau em được, nhất là khi mọi người cần em”. Đấy chính là tinh thần kế thừa của con cháu Bà Trưng, Bà Triệu.
Nếu nói về tinh thần không bao giờ từ bỏ, chúng ta cần nói về Huỳnh Như, tôi từng hỏi Huỳnh Như: “Nếu giấc mơ World Cup của em không trở thành hiện thực, em sẽ làm gì”. Như trả lời: “Nếu như vậy em sẽ không bao giờ từ giã bóng đá”. Đó là ý chí kiên cường của những cầu thủ rời bỏ gia đình từ tuổi còn rất trẻ 12-13 tuổi. Chương Thị Kiều cũng xa ra đình ở Kiên Giang từ sớm để tập luyện.
Bóng đá nữ Việt Nam có thể yếu về thể lực, nhỏ hơn về thể hình. Nhưng trái tim của chúng ta vĩ đại, chúng ta chiến đấu bằng tinh thần của chiến binh, trung thành với giấc mơ cả đời của mình. Đó là lý do bóng đá nữ phát triển hơn rất nhiều so với sự đầu tư cơ bản.