Tiệm tạp hóa không cần bỏ vốn đầu tư quá nhiều (đối với bán lẻ tại nhà), khoảng tầm 30 – 50 triệu hoặc có thể hơn (tùy thuộc vào khả năng và quy mô bạn muốn đầu tư). Ban đầu, nếu chưa có đủ vốn, bạn có thể mượn người thân. Nếu không, bạn có thể sử dụng dịch vụ cho vay tiêu dùng tín chấp tại các công ty Tài chính. Hiện nay, các dịch vụ cho vay tín chấp khá linh hoạt, đảm bảo đáp ứng nhanh chóng nhu cầu tài chính của từng khách hàng cụ thể với thủ tục và quy trình cho vay đơn giản.
Tuy nhiên, để kinh doanh thành công, đảm bảo khả năng chi trả các khoản chi phí phát sinh hay thanh toán các khoản vay đến hạn (nếu có) và hoàn vốn nhanh chóng, bạn cần phải có một kế hoạch kinh doanh rõ ràng và hiệu quả.
1. Tìm hiểu thị trường:
Dù kinh doanh lớn hay nhỏ, bạn vẫn có thể thất bại nếu không nắm bắt được thị trường. Chính vì vậy, bạn phải tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng tại khu vực bạn dự định buôn bán (tìm hiểu và ghi nhớ các nhãn hiệu hàng hóa mà người dân hay dùng như mì gói, bột ngọt, xà phòng, bột giặt,…) để tránh tồn đọng hàng hóa.
Ngoài ra, bạn cũng cần tìm hiểu giá cả thị trường để đảm bảo mức giá hợp lý và cạnh tranh.
2. Lựa chọn địa điểm:
Tuỳ vào số vốn và quy mô bạn muốn mở mà chọn mặt bằng cho phù hợp, nhưng nhất thiết cửa hàng của bạn phải gần khu dân cư và có vị trí buôn bán thuận lợi.
Nếu phải đi thuê mặt bằng thì hãy tính toán chi phí sao cho hợp lý với số vốn bỏ ra.
3. Chú trọng khâu mua hàng:
Khi mua hàng vào, bạn nên chú trọng số lượng đủ tiêu chuẩn để hưởng khuyến mại và chiết khấu. Bạn cũng nên xem xét giá cả để tăng tính cạnh tranh và đảm bảo các mặt hàng phải phong phú, đa chủng loại để mang lại nhiều sự chọn cho khách hàng.
4. Bố trí hàng hóa:
Bạn nên trưng bày hàng hóa trên các kệ gỗ hay sắt và bố trí hàng hóa một cách khoa học, bắt mắt, thuận tiện trong việc tìm kiếm và lấy hàng.
5. Quản lý hàng hóa:
Tùy vào quy mô cửa hàng, bạn có thể quản lý hàng hóa thu mua vào, bán ra, hàng tồn kho, các khoản thu chi … bằng sổ ghi chép hay máy tính.
6. Tạo mối quan hệ thân thiết với khách hàng:
Cách giao tiếp cũng là một yếu tố quan trọng giúp bạn gia tăng doanh số bán hàng. Bạn nên bán hàng một cách ân cần, khéo léo, niềm nở để tạo thiện cảm và mối quan hệ gắn bó với khách hàng và người dân xung quanh.
Khi đó, họ sẽ luôn nghĩ đến bạn đầu tiên khi có nhu cầu mua bất cứ hàng tiêu dùng nào. Và khi kinh doanh hiệu quả, tích lũy được một số vốn nhất định, bạn có thể lên kế hoạch để mở rộng quy mô.
Uyên Nhã