Thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh giúp gia tăng độ tiếp cận dịch vụ tín dụng, đặc biệt là đối với nhóm đối tượng có thu nhập thấp.
Vay tiêu dùng, xu hướng tất yếu
Khảo sát hoạt động cho vay tiêu dùng trên thế giới cho thấy, đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng là xu hướng tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Tính đến đầu năm 2014, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại thị trường Mỹ đã vượt 3.800 tỷ USD (chiếm hơn 21% GDP), chưa bao gồm dư nợ cho vay thế chấp nhà. Còn tại thị trường Đức cho vay tiêu dùng cũng chiếm tới 10,5% GDP; con số này ở Anh là hơn 15,6% GDP; ở Pháp là khoảng 10% GDP…
Tại châu Á, Malaysia là quốc gia đã đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng rất ấn tượng với 24% GDP. Trong khi tại Việt Nam, báo cáo mới nhất được thực hiện bởi công ty CP StoxPlus cho biết, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng trong hệ thống các tổ chức tín dụng năm năm 2014 khoảng 10,4 tỷ USD, tăng 1,6 tỷ USD so với năm 2014. Theo đó, StoxPlus nhận định, thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam đang tăng trưởng nhanh, do sự chuyển hướng mạnh từ tín dụng doanh nghiệp sang tín dụng tiêu dùng trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn trong giai đoạn 2012- 2014.
TS Trần Hoàng Ngân, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, Hiệu trưởng trường ĐH Tài chính – Marketing TPHCM đưa ra dự báo, cho vay tiêu dùng tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ vượt qua con số 10% GDP vào năm 2020.
Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, sự ra ra đời của hoạt động cho vay tiêu dùng là một kết quả tất yếu của quá trình phát triển của nền kinh tế. “Nhu cầu vay tiêu dùng đã luôn tồn tại, song sự kém linh hoạt của các cơ chế cho vay và trả nợ trong quá khứ, khi mà các sản phẩm cho vay còn đơn điệu và kém phù hợp, đã khiến cho các nhu cầu vay tiêu dùng không được đáp ứng”, bà Thanh cho hay.
Ai hưởng lợi khi vay tiêu dùng phát triển?
Theo đánh giá của một số chuyên gia tài chính ngân hàng, thị trường nhiều tiềm năng nhưng không dễ để các doanh nghiệp mở rộng quy mô đặc biệt khó khăn lớn ở đối với các “tân binh” khi tìm chỗ đứng. Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng lại mang lại nhiều cơ hội hơn cho các cá nhân có nhu cầu tiêu dùng khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải nhu cầu.
TS Nguyễn Thị Kim Thanh đánh giá, sự phát triển của các hoạt động cho vay tiêu dùng không chỉ có ý nghĩa đối với từng cá nhân mà còn mang lại những tác động tích cực cho toàn xã hội. Với nhóm đối tượng thu nhập thấp, khó tiếp cận được với nguồn vốn của các ngân hàng thương mại thì nguồn vốn vay từ các công ty tài chính giúp người dân có thể chủ động trong chi tiêu, cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng công bằng xã hội. Bà Thanh cũng cho biết, việc phát triển tín dụng tiêu dùng còn góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho các nhóm khách hàng mới, tầng lớp dân cư ít tiếp cận các dịch vụ ngân hàng giúp họ quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân, cũng như tạo nền tảng để họ có thể sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tài chính khác, bao gồm các dịch vụ ngân hàng truyền thống.
“Sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế bởi sức mua tăng do sự hỗ trợ của tín dụng tiêu dùng giúp đẩy lùi nạn “tín dụng đen”, bà Thanh nhấn mạnh.
Sự phát triển của các hoạt động cho vay tiêu dùng không chỉ có ý nghĩa đối với từng cá nhân mà còn mang lại những tác động tích cực cho toàn xã hội.
E.L
Nếu như các NHTM tập trung vào nhóm khách hàng đạt chuẩn cấp tín dụng, có thu nhập thường niên từ khá trở lên, có điểm tín dụng cao, có lịch sử tín dụng tốt và cung cấp các khoản vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, gói vay lớn thì các công ty tài chính lại chọn phân khúc mà ngân không thể đáp ứng. Đó là nhóm đối tượng dưới chuẩn, là người có thu nhập trung bình hoặc thấp, không chứng minh được thu nhập, chưa có lịch sử tín dụng hoặc điểm tín dụng thấp. Đồng thời, họ cung cấp các khoản vay nhỏ, không tài sản đảm bảo, phục vụ nhu cầu mua sắm trang thiết bị gia đình, xe máy, tiền mặt phục vụ nhu cầu đột xuất…, với thủ tục nhanh chóng, thuận tiện đáp ứng nhu cầu tài chính đa dạng của người dân. Theo các chuyên gia, cho vay tiêu dùng tín chấp dành cho nhóm khách hàng dưới chuẩn mà các công ty tài chính đang triển khai là lĩnh vực quan trọng, cần khuyến khích phát triển mạnh mẽ.