Cho vay tiêu dùng là hoạt động cung cấp các khoản vay cho cá nhân để mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho các mục đích tiêu dùng của cá nhân và hộ gia đình, phân biệt với hoạt động cho vay thương mại nhằm hướng đến mục đích sản xuất, kinh doanh.
Các khoản cho vay tiêu dùng ngày nay thường được cung ứng bởi ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, dưới các hình thức như cho vay mua xe, cho vay mua thiết bị gia đình, cho vay theo lương, cho vay qua thẻ tín dụng…Hoạt động cho vay tiêu dùng đã sớm phát triển trong cuộc sống của con người và ngày càng được thúc đẩy bởi các nhu cầu phát triển của xã hội.
Thống kê đã cho thấy, năng lực tài chính của cá nhân tăng dần trong độ tuổi lao động và giảm dần sau khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng lại không phát triển song hành với năng lực tài chính, mong muốn sử dụng các hàng hóa, dịch vụ mới thường tăng cao trong giai đoạn trẻ tuổi, trong khi xu hướng tiết kiệm thường thấy ở tuổi trung niên.
Hoạt động cho vay tiêu dùng xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải nhu cầu, cho phép họ có thể tiêu dùng trước, chi trả sau dưới nhiều hình thức. Bên cạnh đó, sự phát triển của các hoạt động cho vay tiêu dùng cũng cho thấy hoạt động này không chỉ có ý nghĩa với từng cá nhân, mà còn mang lại những tác động tích cực cho toàn xã hội.
Cho vay tiêu dùng cũng là một công cụ quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Thứ nhất, nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân (đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp, không có lịch sử tín dụng – đây là nhóm khách hàng dưới chuẩn thường bị từ chối bởi các NHTM truyền thống), và giúp cho các kế hoạch tiêu dùng diễn ra suôn sẻ giữa các chu kỳ biến động của thu nhập, do vậy góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và gia tăng công bằng xã hội.
Thứ hai, góp phần gia tăng sự hiểu biết về tài chính cho các nhóm khách hàng mới, tầng lớp dân cư ít tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, vì vậy giúp họ quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân, cũng như tạo nền tảng để họ có thể sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tài chính khác bao gồm các dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Thứ ba, làm giảm nhu cầu đối với các dịch vụ tín dụng phi chính thức, do đó, hạn chế cho vay nặng lãi.
Thứ tư, cho vay tiêu dùng cũng được xem là một công cụ quan trọng làm tăng cầu hàng hóa, qua đó làm tăng sản lượng và tạo thêm các cơ hội việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, NHNN
Tổng hợp từ: Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2015