Vào sáng ngày 10/09/2015 tại tòa soạn TBNH, ông Kalidas Ghose, TGĐ công ty tài chính VPB FC (FE Credit) cùng các chuyên gia tài chính, luật sư và đại diện NHNH đã có buổi thảo luận cởi mở và mang tính xây dựng về vai trò và tầm quan trọng của quản trị rủi ro trong vay tiêu dùng tín chấp.
Trong suốt 2 giờ, các diễn giả đã bàn luận nhiều vấn đề liên quan đến việc cho vay tiêu dùng tín chấp. Trong đó, có một số câu hỏi- trả lời nổi bật như sau:
Hỏi: Lý do gì mà gần đây, người vay liên tục gửi đơn khiếu kiện cho rằng công ty tài chính “lừa đảo”?
Ông Nguyễn Hoàng Minh: Thực ra, với những khoản vay nhỏ, phần lớn người vay không muốn/không đủ điều kiện để vào ngân hàng làm hồ sơ thủ tục vay. Thậm chí có những người không muốn người khác biết mình đi vay nên “tín dụng đen” phát triển suốt nhiều năm nay. Về lãi suất, mức lãi cho vay “tín dụng đen” thì phải nói “cắt cổ”. Do vậy, để phát triển thị trường tích cực nhất, thị trường buộc phải có công ty tài chính.
Theo tôi, việc xuất hiện những trường hợp khiếu kiện liên quan đến công ty tài chính không phải là mới, mà chẳng qua trước đây, người vay không có chỗ để kiện những người cho vay “tín dụng đen”. Nếu có khởi kiện, thì những người cho vay “tín dụng đen” không bị quy vào hành động cho vay trái phép mà là kinh doanh trái phép. Thế nên, không có hình thức thưởng – phạt đối với hình thức cho vay này.
Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM
Đến nay, khi công ty tài chính phát triển và chịu sự kiểm soát của NHNN, việc kiện tụng, tranh chấp bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Những trường hợp tranh chấp xảy ra, lỗi phần lớn thuộc về khách hàng không đọc kỹ hợp đồng cũng như không cân nhắc được nguồn trả nợ của mình chứ không phải công ty tài chính lừa đảo.
Hỏi: Có phải cứ vay tiêu dùng tại công ty tài chính là dễ rơi vào trường hợp nợ chồng nợ?
Ông Đinh Thế Hiển: Người dân vẫn phải vay vì nhu cầu mua sắm tiêu dùng luôn có. Còn đối với DN nhỏ, họ cũng không muốn vào NH vay khoản tiền nhỏ mà thủ tục phức tạp. Theo đó, công ty tài chính luôn có thị trường và họ có quyền quyết định lãi suất cho vay sao phù hợp với sản phẩm.
Đứng về phía người tiêu dùng, tôi khẳng định họ đang bị nhầm lẫn lãi suất vay tại công ty tài chính với lãi suất NH nên mới so sánh bên thấp bên cao. Chứ nếu xét đúng nhu cầu thì sản phẩm người dân đang vay tại công ty tài chính so với lãi suất “phi” NH thì không cao. Thế nên, chuyện vay tiêu dùng của người dân bây giờ quan trọng nhất vẫn là dòng tiền trả nợ.
Đơn cử, bà bán bún vay lãi suất 2%/tháng có thể trả được, nhưng DN vay 10%/năm không trả được. Nói như vậy để thấy vay lãi suất lớn để đầu tư thì khác, còn việc vay tiêu dùng thì lãi suất cao có thể chịu đựng được.
Tất nhiên, trong cho vay tiêu dùng có chệch choạc, là nhân viên bán hàng nôn nóng đạt chỉ tiêu, không tư vấn kỹ cho khách hàng nên mới xảy ra những tranh chấp không đáng có, chứ thực tế, lãi suất không phải là yếu tố quyết định.
Ông Đinh Thế Hiển – Chuyên gia kinh tế độc lập
Hỏi: Công ty có nhận thấy lãi suất cho vay tiêu dùng hiện có quá cao so với thu nhập của người dân?
Ông Kalidas Ghose: Trước khi đưa ra bất kỳ một kết luận nào về chính sách lãi suất cho vay tiêu dùng, điều quan trọng chính là phải hiểu được bản chất của ngành tín dụng tiêu dùng, với mục tiêu cơ bản là phục vụ những khách hàng không được ngân hàng phục vụ hoặc không có khả năng tiếp cận dịch vụ của ngân hàng. Lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn so với bình thường là do tác động bởi mức độ rủi ro cao tính theo mức thu nhập và cũng như thiếu đi lịch sử giao dịch tín dụng của phân khúc khách hàng này, bên cạnh cơ sở chi phí bỏ ra rất cao để quản lý các khoản vay nhỏ lẻ, vốn là đặc thù của ngành tín dụng tiêu dùng.
Lãi suất tín dụng tiêu dùng ít phụ thuộc vào chi phí huy động vốn và vì vậy lãi suất có chiều hướng giảm chậm. Lãi suất sẽ chỉ giảm xuống khi thị trường xây dựng được đầy đủ lịch sử tín dụng của khách hàng, một khi quy chế quy định được phát triển đầy đủ nhằm bảo vệ quyền lợi bên cho vay, cũng như giảm thiểu chi phí tín dụng. Hoạt động của các công ty tài chính khi đó mới trở hiệu quả hơn để giảm bớt chi phí vận hành.
Ông Kalidas Ghose – Tổng giám đốc FE Credit
Hỏi: Khi xảy ra tranh chấp, công ty tài chính đổ lỗi cho người tiêu dùng không chịu đọc hợp đồng, trong khi người tiêu dùng nói rằng hợp đồng đến cả luật sư đọc cũng không hiểu hết, vậy cần giải pháp nào để thỏa mãn hai bên?
Luật sư Bùi Quang Nghiêm: Hợp đồng chuẩn được phát triển qua bao nhiêu năm, và hợp đồng dùng để khi ra tòa có thể căn cứ vào đó tòa án có thể hiểu được. Tuy nhiên, đối với khách hàng, bản thân công ty phải có tóm tắt hợp đồng. Tuy nhiên, để tránh tranh chấp xảy ra, phía DN nên đưa khoản nghĩa vụ lên trước để người vay xem. Đặc biệt, cần việt hóa nhiều từ ngữ trong hợp đồng. Điều này không có nghĩa là bỏ bớt nội dung mà đơn giản hóa nội dung để người dân hiểu. Vì nếu xảy ra tranh chấp người ta thường viện lý do là tôi không hiểu hợp đồng.
Ngược lại, đối với người dân, cơ sở pháp lý để xác định lãi suất xuất phát từ kinh nghiệm quản lý và kiến thức chuyên môn tương đối đầy đủ. Theo đó, những người vay tiêu dùng không có tài sản thế chấp phải hiểu rất kỹ quyền và trách nhiệm của mình trước khi quyết định ký. Không nên đòi hỏi quá nhiều ở công ty tài chính vì họ đang làm đúng theo luật định…
Ông Bùi Quang Nghiêm – Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM
Đón xem nội dung buổi tọa đàm tại: www.bit.ly/FECREDIT_YOUTUBE
Nguồn: Thời Báo Ngân Hàng