Thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam đã bắt đầu phát triển nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng dự báo trên 35% và sẽ còn cao hơn nữa, khi các đối thủ cạnh tranh công bố kế hoạch thâm nhập thị trường. Đặc biệt, sự ổn định, tiến bộ của nền kinh tế trong nước, cũng như chất lượng và phong cách sống người dân đang cho thấy điềm báo tốt lành trong tương lai của thị trường này.
SẼ TĂNG TRƯỞNG MẠNH TRONG NGẮN VÀ TRUNG HẠN
Số liệu từ kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược Ngân hàng cho biết, trong 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng trưởng trung bình lên tới xấp xỉ 20%/ năm. Trong khi đó, ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (FE Credit) còn có nhận định tích cực hơn: “Công ty chúng tôi đánh giá ngành Tín dụng tiêu dùng đang có tốc độ tăng trưởng trung bình 30 – 40% mỗi năm và sẽ tiếp tục tăng mạnh vào cuối năm nay”.
Theo ông Kalidas Ghose, sự tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng là nhờ vào sự ổn định, tiến bộ của nền kinh tế Việt Nam,trong đó phải kể đến lạm phát được kiểm soát tốt, cũng như niềm tin của người tiêu dùng được cải thiện đáng kể. Có thể thấy được rằng, ngày càng có nhiều khách hàng tiếp nhận việc sử dụng nguồn thu nhập để vay mua các sản phẩm hàng gia dụng và các dịch vụ khác giúp chất lượng, phong cách sống được cải thiện.
“Dân số lớn, trẻ, thu nhập trung lưu ngày càng tăng, lạm phát, cán cân thương mại, tỷ giá được kiểm soát…. là các yếu tố thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng, và cũng là “điềm báo tốt lành” cho sự phát triển của ngành Tín dụng tiêu dùng. Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy nhiều dấu hiệu vô cùng tích cực và được kỳ vọng sẽ tạo đà cho sự tăng trưởng của ngành Tín dụng tiêu dùng trong ngắn và trung hạn”, ông Kalidas Ghose nói.
CHỊU SỨC ÉP TỪ CHO VAY CÁ NHÂN CỦA NGÂN HÀNG?
Bên cạnh sự ra đời và phát triển của các công ty tài chính, nhiều ngân hàng hiện nay cũng đang đẩy mạnh mảng cho vay cá nhân. Một số ý kiến lo ngại điều này sẽ tạo sự cạnh tranh khá lớn trong việc mở rộng khách hàng của các công ty tài chính, nhất là trong hoàn cảnh tiềm lực về vốn là lợi thế lớn cho các ngân hàng.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc FE Credit lại cho rằng, các công ty tài chính hướng đến đối tượng khách hàng khác với ngân hàng truyền thống. Các ngân hàng truyền thống không thể tạo lợi nhuận từ đối tượng khách hàng này, chưa kể các khách hàng không có nhu cầu đối với tất cả những dịch vụ mà ngân hàng truyền thống cung cấp. Trong khi đó, các công ty tài chính tiêu dùng phát triển những sản phẩm và dịch vụ đặc thù như các khoản vay tín chấp nhỏ lẻ để phục vụ các khách hàng này. Cùng với đó, trong mảng này, các công ty tài chính sẽ có lợi thế hơn về các kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ cho vay như: Điểm giới thiệu dịch vụ/ điểm bán hàng tại các cửa hàng (thay vì chi nhánh như các ngân hàng). Mặt khác, với nền tảng quản trị rủi ro phù hợp, như thẩm định nhanh và được tự động hóa, cũng như quy trình thu hồi nợ được quản lý chặt chẽ sẽ giúp các công ty tài chính tăng thế mạnh của mình.
“Chẳng hạn như, FE Credit là một hợp phần của VPBank, nhờ đó tận dụng được sức mạnh của ngân hàng này vào hoạt động của công ty. Tuy nhiên, hai thương hiệu có những sự khác biệt đặc trưng từ tên gọi cho đến việc tập trung vào các phân khúc khách hàng rất khác nhau vốn đã được xác định rõ ràng trong các quy chế nội bộ của chúng tôi”, ông Kalidas Ghose dẫn chứng.
DUY THÁI
Thời Báo Tài Chính Việt Nam